Ca sĩ Hà Trần

4.9/5 - (62 bình chọn)

Trần Thu Hà (sinh năm 1977 tại Hà Nội), còn có nghệ danh Hà Trần, là một ca sĩ và nhà sản xuất âm nhạc nổi tiếng của Việt Nam, cô là nghệ sĩ đã giành được 9 đề cử, đứng thứ 4 trong danh sách những người được đề cử nhiều nhất và chiến thắng ở 4 hạng mục tại giải Cống hiến. Cô cũng được biết đến là một nghệ sĩ có trường phái nghệ thuật đa dạng và nhiều màu sắc, luôn tìm tòi, sáng tạo và thử nghiệm những phong cách mới trong âm nhạc. Trần Thu Hà là một trong bốn diva của Việt Nam.

Résultat de recherche d'images pour "ca sĩ trần thu hà"

Thời thơ ấu

Trần Thu Hà sinh ngày 26 tháng 8 năm 1977 tại Hà Nội. Cô sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, cha cô là ca sĩ, nghệ sĩ nhân dân Trần Hiếu, mẹ là nhà giáo ưu tú Vũ Thúy Huyền, nguyên trưởng khoa Thanh nhạc Nhạc viện Hà Nội, chú là nhạc sĩ Trần Tiến.Anh trai cô tên Trần Vũ Hoàng, đi theo đi theo nghiệp hội họa, về sau là Trưởng khoa Mỹ thuật, Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội.

Thuở nhỏ, Hà rất thân thiết với người mẹ của mình, trong khi bố cô – Nghệ sĩ Nhân dân Trần Hiếu – lại thường xuyên vắng nhà và không thực sự gần gũi với cô. Hà Trần gọi bố cô là “một người đàn ông vụng về trong những cư xử gia đình, xã hội”. Dù vậy, về sau, khi đi theo nghiệp ca hát giống cha mình, cô đã có sự đồng cảm và gắn bó với bố mình hơn.Năm Trần Thu Hà 14 tuổi, mẹ cô qua đời.Sự mất mát đi người mẹ thân thiết đã ảnh hưởng lớn đến đời sống tinh thần của cô, và cho đến sau này khi lấy chồng, sinh con, Hà Trần vẫn chưa thoát khỏi nỗi cô đơn do sự ra đi quá sớm của mẹ. Hà Trần cũng thân thiết và hợp với người chú của mình – nhạc sĩ Trần Tiến, và đã chịu ảnh hưởng từ những chuyến phiêu lưu trong những bài hát du ca của ông.

Lúc còn nhỏ, Hà Trần yêu thích nhiều thứ như làm thơ, viết văn, hội họa và sau cùng mới đến ca hát. Tuy nhiên, cô không có chất giọng bẩm sinh xuất sắc. Giọng hát của Hà mỏng, thiếu cá tính, khó định hình, và hay hát phô, do đó nên bố cô không muốn cô theo nghiệp ca hát mà muốn cô trở thành một giảng viên thanh nhạc giống mẹ.Tuy nhiên sau đó chính nghệ sĩ Trần Hiếu cũng nhận ra cá tính mạnh của con gái mình không hợp với nghề giáo, và do đó khuyến khích cô tập luyện để khắc phục những nhược điểm trong giọng hát của mình. Cô học múa ở Cung thiếu nhi Hà Nội năm 6 tuổi. Năm 8 tuổi, Hà bắt đầu học piano. Cho đến khi 10 tuổi thì cô lại thi vào hệ sơ cấp thanh nhạc Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội. Năm 1995, sau khi tốt nghiệp trung cấp thanh nhạc, cô lại tiếp tục theo học và tốt nghiệp hệ Đại học khoa thanh nhạc Nhạc viện Hà Nội vào năm 2000. Trải qua nhiều năm tập luyện và rèn giũa, giọng hát của Hà đã có nhiều tiến bộ. Cô bắt đầu nhận được những giải thưởng đầu tiên: Giải trẻ triển vọng cuộc thi Giọng hát hay Hà Nội 1993; Giải nhất cuộc thi tiếng hát học sinh, sinh viên toàn quốc 1994; Huy chương vàng cuộc thi đơn ca các trường nghệ thuật toàn quốc 1994; Giải ba cuộc thi tìm kiếm tài năng trẻ Tiếng hát Vàng Anh do công ty Horitro (Nhật Bản) tổ chức năm 1995; Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho ca sĩ thể hiện xuất sắc nhất tác phẩm âm nhạc của Hội năm 1996. Năm 1997, cô bắt đầu đi vào con đường ca hát chuyên nghiệp.

Sự nghiệp

1998–2001: Em về tinh khôi và Bài tình cho giai nhân

Album đầu tiên cô thực hiện mang tên Đánh thức tầm xuân, hát chung với Bằng Kiều do Hãng phim Trẻ phát hành vào năm 1998. Album gồm có các sáng tác của Dương Thụ, Bảo Chấn, Trần Tiến, Ngọc Châu… như: Đánh thức tầm xuân, Dường như, Giá băng, Mùa xuân qua, Ô cửa sổ mùa đông, Tóc gió thôi bay… Album đã tạo ấn tượng tốt với công chúng và là một trong những đĩa bán chạy vào thời điểm đó.

Năm 1999, cô phát hành album riêng đầu tay mang tên Em về tinh khôi. Album này do nhạc sĩ Quốc Bảo biên tập và được Hãng phim Trẻ phát hành. Nhiều Bài hát trong album này đã được công chúng yêu thích và đón nhận như: Em về tinh khôi (Quốc Bảo), Lời ru cho con (Xuân Phương – nhạc phim Của đề dành), Tóc gió thôi bay (Trần Tiến), Ngày em đến(Từ Huy).

Ngoài hai album trên, cô còn xuất hiện ở nhiều album, băng đĩa như: Môi hồng đào 1,2,3Nghe mưa 1 & 2 (gồm có các sáng tác của Bảo Chấn và Dương Thụ), Tình khúc Thanh Tùng 1 & 2Vừa biết dấu yêu, các album của nhạc sĩ Quốc Bảo (Ngồi hát ca bềnh bồng, Vàng son)… và hàng chục album, video khác. Cô đã được bầu vào top 10 ca sĩ được yêu thích trên sóng FM Làn sóng xanh liên tiếp các năm 1998-2001. Cô còn xuất hiện trong các chương trình Duyên dáng Việt NamĐồng Vọng Bốn Mùa, Dòng thời gian, giải Mai Vàng

Năm 2000, cô phát hành album Bài tình cho giai nhân. Album vẫn là sự kết hợp giữa cô và nhạc sĩ Quốc Bảo, gồm có các sáng tác của Trung Kiên, Trịnh Công Sơn, Dương Thụ, Nguyễn Bình, Vũ Quang Trung, Bảo Phúc, Tường Văn và Quốc Bảo: Đêm cô đơn, Hãy yêu nhau đi (hát chung với Thanh Lam), Dấu phố em quaEm về tóc xanh, Chờ em nơi thềm trăng… Sau album này cô kết thúc hợp đồng với hãng phim Trẻ và từ đó cũng đánh dấu một bước tiến mới trong sự nghiệp của cô.

Cũng trong năm 2000, cô ra mắt album chung với chú của cô, nhạc sĩ Trần Tiến mang tên Tự họa. Album đã được làm trong gần 2 năm, tất cả đều là những sáng tác của Trần Tiến và được thể hiện bởi 2 người. Album cũng có những Bài hát được yêu thích như: Em vẫn như ngày xưa, Dòng sông mùa thu, Phố nghèo, Tóc gió thôi bay… Ngoài ra cô còn thể hiện thành công những Bài hát của Trần Tiến như Sắc màuChị tôiThành phố trẻ

Tháng 11 năm 2000, cô tham gia liveshow Chiều Hà Nội của nhạc sĩ Vũ Quang Trung, một nhạc sĩ được đánh giá có nhiều Bài hát dành cho “cá tính” của Hà Trần như: Tiếng mưa, Lời cuối tình yêu, Anh yêu em…. Trước đó, cô từng tham gia album nhạc Jazz Lời ru mắt em của Vũ Quang Trung và Trần Mạnh Tuấn năm 1992, Album không gây tiếng vang vào thời điểm phát hành nhưng bất ngờ được khán giả tìm mua thời gian này.

Ngoài ra, trong thời gian này, cô cũng thu âm Bài hát chủ đề cho rất nhiều bộ phim truyền hình: Giọt nước mắt giữa hai thế kỷThiên đường trên caoLời chưa nói….

Résultat de recherche d'images pour "ca sĩ trần thu hà"

2001–2002: Nhật thực

Năm 2002, cô và nhạc sĩ Ngọc Đại đã đồng tổ chức một tour xuyên Việt mang tên Nhật thực và đồng thời cũng cho ra mắt album Nhật thực. Chương trình gồm có các sáng tác của nhạc sĩ Ngọc Đại phổ thơ Vi Thùy Linh được thể hiện bởi giọng hát của Hà. Ekip của chương trình gồm có: nhạc sĩ phối khí Đỗ Bảo, ca sĩ Minh Anh – Minh Ánh (nhóm 2M), biên đạo múa Quỳnh Lan, đạo diễn hình ảnh Việt Tú và họa sĩ sân khấu Trần Vũ Hoàng (anh trai Trần Thu Hà).

Tháng 12/2001, Nhật thực gặp phải rắc rối khi Cục Nghệ thuật Biểu diễn ra lệnh đình chỉ vì lý do ca từ “trần tục qua mức”, đã “phạm vào không gian văn hóa âm nhạc của người Việt Nam” (theo ông Lê Nam – Trưởng phòng nghệ thuật của Cục). Vì lẽ đó chương trình đã bị hoãn lại để cắt bỏ Bài hát và sửa đổi ca từ; 2 Bài hát bị cắt bỏ, Tự Tình và , là những Bài hát mở đầu trong một chỉnh thể album concept và được xem là những Bài hát có giai điệu đẹp; 2 Bài hát bị sửa đổi ca từ là Cây nữ tu và Đừng hát tình ca du mục nữa.

Sau những rắc rối trên chương trình đã được ra mắt vào tháng 4/2002, sau đó là album Nhật thực cũng được phát hành vào tháng 5. Album Nhật thực gồm 7 Bài hát: Nghi ngại, Đừng hát tình ca du mục nữa, Phía ngày nắng tắt, Dệt tầm gai, Tiếc nuối, Ảo ảnh, Nhật thực (do 2 Bài hát  và Tự tình bị bỏ nên 9 Bài hát dự kiến lúc đầu chỉ còn 7 bài, bài Cây nữ tu đã sửa và đổi tên thành Ảo ảnh). Nhật thực là một concept album, có nội dung kết cấu xuyên suốt từ đầu đến cuối. 7 Bài hát giống như 7 câu chuyện kể qua lời tâm sự của một cô gái đang yêu, những nghi ngại, tiếc nuối, day dứt, ám ảnh…

Kể từ khi ra mắt, Nhật thực đã gây được tiếng vang lớn bởi thứ âm nhạc mới lạ về cả ca từ, giai điệu, phong cách trình diễn lẫn phối khí. Chương trình đã trở thành một hiện tượng âm nhạc đặc biệt trong năm 2002, đánh dấu sự đổi mới trong phong cách âm nhạc và nghệ thuật trình diễn. Điểm đặc biệt là sự ra đời của Nhật thực đã định hướng khán thính giả biết quan tâm nhiều đến phối khí và đẩy mạnh việc phát triển ê kip âm nhạc ở Việt Nam. Nhật thực cũng đánh dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp âm nhạc của Hà Trần và cũng là bước ngoặt trong phong cách của cô: cá tính hơn, đa dạng hơn, tinh quái hơn.
Cũng kể từ Nhật thực, vị trí trong làng nhạc của Hà Trần đã lên tới hàng diva, ngang tầm với 3 đàn chị đi trước là Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh.

Tuy nhiên, ngay sau khi tổ chức, thì những rắc rối lại nảy sinh giữa những người thực hiện, cụ thể là bộ ba Ngọc Đại – Trần Thu Hà – Vi Thuỳ Linh. Kết quả là sau Nhật thực 1, Trần Thu Hà tuyên bố rút lui hoàn toàn. Ngọc Đại đã tiếp tục tổ chức Nhật thực 2 vào năm 2003, không có sự tham gia của cô và Vi Thuỳ Linh, mà thay bằng một dàn ca sĩ nổi tiếng như Thanh Lam, Hồ Quỳnh Hương, Linh Dung, Tùng Dương, Khánh Linh, Ngọc Khuê.. Tuy nhiên, cả chương trình biểu diễn và album (với giá đặc biệt chỉ 6000 đồng) đã không đạt được hiệu quả như Nhật thực 1.

Image associée

2002–2004: Thanh Lam & Hà Trần

Tháng 10 năm 2002, Hà Trần biểu diễn cùng Mỹ Linh tại San Jose, California, Mỹ. Chương trình do tổ chức từ thiện Vnhelp thực hiện với mục đích gây quỹ giúp các học sinh nghèo. Ngoài những Bài hát đã gắn với tên tuổi cô thì Hà còn thể hiện một số Bài hát tiền chiến, trữ tình như Yêu (Văn Phụng), Hương xưa (Cung Tiến)… Cũng trong thời gian này, ban nhạc Bức Tường đã mời đích danh và duy nhất Hà Trần tham gia liveshow của họ nhưng Hà Trần đã không thể tham gia.

Tháng 11 năm 2002, cô biểu diễn cùng ca sĩ nhạc jazz nổi tiếng người Anh Ian Shaw trong chương trình do Hội đồng Anh tổ chức và được đánh giá cao. Cô có hát một số bài hát dân ca ngẫu hứng với phần đệm của Ian Shaw.

Năm 2003, cô hát trong album Quốc Bảo vol.3 – Bình yên với những Bài hát: Bình yên, Gió, Tình ca, Là yêu chưa từng yêu, Tình ơi. Bài hát Bình yên song ca với bố cô – Trần Hiếu – được công chúng yêu thích và đón nhận. Phần thu âm Bài hát “Là yêu chưa từng yêu” của cô được nhạc sĩ Nhật Makoto Katoba đưa vào album “Hotel Vietnam”.

Tháng 4 năm 2003, cô xuất hiện trong liveshow thứ hai của Bức Tường với Bài hát Khám phá làm bất ngờ nhiều rockfan có mặt tại liveshow đó.

Tháng 8 năm 2003, cô được mời làm giám khảo cuộc thi Sao Mai (tiền thân là Liên hoan tiếng hát Truyền hình toàn quốc do VTV tổ chức) khi cô mới 26 tuổi, giám khảo trẻ tuổi nhất trong lịch sử cuộc thi hát quy mô quốc gia này.

Tháng 10/2003, cô tổ chức liveshow trong chương trình Âm nhạc và những người bạn mang tên Sắc màu. Chương trình do Đài truyền hình Việt Nam thực hiện, được phát sóng trực tiếp trên VTV3 và có sự tham gia của Trần Hiếu, Trần Tiến, Thanh Lam, Phương Thanh, Ngọc Anh, nhóm 5 Dòng Kẻ.

Năm 2004, cô hợp tác cùng đàn chị Thanh Lam cho ra mắt album Thanh Lam – Hà Trần, được phối khí bởi DJ Trí Minh (em trai Thanh Lam) và Trần Thanh Phương, một album có chút màu acoustic cùng electronic. Thanh Lam tham gia viết lời và nhạc cho một số Bài hát của album. Trần Thu Hà song ca cùng Thanh Lam trong Ngẫu nhiên (Trịnh Công Sơn), Ngày anh đến (Trí Minh và Thanh Lam), Hát cùng em (Niels Lan Doky) và Giấc mơ (Quốc Bảo); hát đơn Sao đổi ngôi (Kim Ngọc), Trái tim lang thang (Thuận Yến, Thanh Lam, Hà Minh Đức) và Chạy trốn (Lê Minh Sơn).

Cũng trong năm này, Trần Thu Hà cũng thể hiện 2 bài hát Cho tình yêu bay lên bồng bềnh và Để em mơ trong album Nghiêng nghiêng rừng chiều của nhạc sĩ Nguyễn Cường.

Tháng 10/2004, cô xuất hiện trong album Lời của giòng sông – Trịnh Công Sơn và tây ban cầm. Album có 4 bài độc tấu guitar cổ điển, 1 bài song tấu và 8 bài đơn ca trên nền nhạc đệm chủ yếu là guitar, trong đó Hà Trần hát 4 bài Tình xa, Tình nhớ, Mưa hồng, Xin trả nợ người.

Cô kết hôn vào năm 2004 với một Việt kiều ở Mỹ. Sau đó cô đã cùng chồng sang Mỹ sinh sống.

Résultat de recherche d'images pour "ca sĩ trần thu hà"

2004-2005: Hà Trần 98-03

Kể từ khi chuyển sang sống ở Mỹ, cô bắt đầu đi hát trung tâm Thúy Nga và biểu diễn trong một số chương trình Paris by Night. Cô cũng là ca sĩ hát ru Bắc bộ dùng làm nhạc cho bộ phim điện ảnh Hạt mưa rơi bao lâu.

Năm 2005, cô cho ra mắt album Hà Trần 98-03. Album bao gồm những Bài hát quen thuộc đã được phối khí làm mới lại như: Mùa xuân gọi, Phố nghèo, Dòng sông mùa thu, Sắc màu, Chuyện tình thảo nguyên (Trần Tiến), Lời chưa nói (Xuân Phương – nhạc phim Phía trước là bầu trời), Mưa tháng giêng (Việt Hùng – Nguyễn Việt Chiến), Tình ca, Em về tóc xanh, Em về tinh khôi (Quốc Bảo), Hoa gạo (Ngọc Đại – Phan Huyền Thư)… Album cũng được phát hành ở Mỹ với tên gọi Sắc màu – Tình ca do Thúy Nga phát hành và thêm 1 bài là Tiến thoài lưỡng nan.

Tháng 7/2005, cô biểu diễn trong chương trình Miss Vietnamese USA. Tháng 11/2005, cô tham gia chương trình “Đêm Thần Thoại” tưởng niệm cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn do Phương Nam Film tổ chức. Cô hát 3 bài: Nắng thuỷ tinh (với Quang Dũng), Lời thiên thu gọi, Tự tình khúc (với 5 Dòng kẻ).

2006: Đối thoại 06

Tháng 9/2006, cô phát hành album riêng thứ 5 mang tên Đối thoại 06 (Communication 06). Album là sản phẩm hoàn chỉnh đầu tiên của công ty Hà Trần Productions (công ty riêng của chị thành lập năm 2005) do Hà Trần và nhóm cộng sự thực hiện: nhạc sĩ Trần Tiến, Nguyễn Xinh Xô, Thanh Phương, Ben Doan (chồng cô), một số cộng sự người Mỹ như 2 kĩ sư âm thanh John Vestman và Max Neutra. Album được thu tại phòng thu Sound Matrix, được Viết Tân Studio phát hành. Sau đó album cũng được phát hành ở Mỹ, và cũng xuất hiện trên một số trang web mua bán online như CDBaby.

Cái tên Đối thoại 06 được hiểu là một cuộc đối thoại giữa âm nhạc Đông và Tây, giữa âm nhạc dân gian và nhạc điện tử, giữa hai thế hệ nhạc sĩ trẻ – Nguyễn Xinh Xô – và già – Trần Tiến. Hoà âm mang đậm chất ambient/triphop/electronic, được hát trên nền những Bài hát của Trần Tiến (Ra ngõ mà yêu, Bình nguyên xa vắng, Mưa bay tháp cổ, Lữ khách sông Hồng và Quê nhà – Bài hát acoustic duy nhất) và Nguyễn Xinh Xô (Giấc mơ lạ, Nước sâu). Album còn có ba bản hoà tấu: Tiếng gọi (Ben Doan & Hà Trần), Quê nhà (biểu diễn Thanh Phương), Without (Ben Doan & Ha Tran).

Sau khi phát hành, album trở thành một trong những tâm điểm của nhạc Việt trong năm. Album cũng thu hút sự quan tâm của dư luận và cũng nhận được nhiều ý kiến khen chê khác nhau. Hà Trần đã nhận được giải Album của năm trong chuỗi giải thưởng âm nhạc Cống Hiến (Báo Thể thao Văn Hoá).

Ngoài việc phát hành album Đối thoại 06, cô cũng xuất hiện trong album của nhạc sĩ trẻ Văn Tuấn Anh – Giao khúc biển cả và núi đồi.

Résultat de recherche d'images pour "ca sĩ trần thu hà"

2007: Tình ca qua thế kỷ

Năm 2007, cô xuất hiện trong một số chương trình của Paris by Night như các chương trình số 90, 89, 88, 85, 84, 83, 82. Cô song ca với Bằng Kiều trong album thứ tư của anh – Vá lại tình tôi – 2 Bài hát Bây giờ tháng mấy (Từ Công Phụng) và Cho quên thu đau thương (Main dans la main). Cô đã làm giám khảo trong cuộc thi PBN Talent Show. Hà còn xuất hiện trong album của ca sĩ trẻ Hòa Trần khi song ca Bài hát Lời ru cho con (Xuân Phương). Cô cùng Thanh Lam và Tùng Dương hát trong album của nhạc sĩ Trần Viết Tân – Biệt.

Tháng 7/2007, cô và hãng Thúy Nga phát hành album Tình ca qua thế kỷ. Album gồm có những tình khúc trữ tình, tiền chiến của Từ Công Phụng, Ngọc Bích, Đức Huy, Tùng Giang, Trịnh Công Sơn, Đoàn Chuẩn, Ngô Thụy Miên, Nguyễn Ánh 9, được phối khí bởi các nhạc sĩ Thanh Phương, Nguyễn Xinh Xô, Nguyễn Nhân, Shane Barber. Album có sử dụng một số bản thu đã được thể hiện trong chương trình Paris by Night trước đó như: Liên khúc Tình khúc tháng 6 và Đường xa ướt mưa – hát chung với Bằng Kiều (PBN82), Cô đơn – Nguyễn Ánh 9 (PBN83), Giọt lệ thiên thu – hát với Khánh Ly, guitar Thanh Phương (PBN84). Bài hát Cô đơn được cô thể hiện rất thành công và được nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 đánh giá là một trong những người thể hiện đúng nhất. Album chỉ được phát hành tại thị trường hải ngoại.

2008: Trần Tiến

Năm 2008, Hà Trần Production phát hành album tác giả đầu tiên mang tên Trần Tiến. Ngoài Hà Trần, album còn có sự tham gia của Tùng Dương, Hòa T. Trần và David Trần. Ngoài tư cách là nhà sản xuất cho album, album này đã đánh dấu độ chín của giọng hát Hà Trần, đầy đặn và tinh tế, đồng thời vẽ chân dung tác giả Trần Tiến chân thực và khác biệt. Hà Trần đã vận dụng giọng hát của mình một cách khéo léo, giọng của cô được sử dụng như một nhạc cụ với lối hát tự nhiên cân bằng, ít phô diễn kỹ thuật. Album Trần Tiến được sắp xếp với ý tưởng xuyên suốt với các mảng màu và đề tài khác nhau nhằm khắc họa rõ nét tính cách Trần Tiến, điều tưởng chừng khó thực hiện được với chỉ một album.

Tháng 9/2008, cô tiếp tục tham gia album riêng thứ hai của nhạc sĩ Đỗ Bảo Thời gian để yêu. Hai Bài hát Bài ca tháng 6 và Câu trả lời tưởng chừng là 2 Bài hát khó nghe nhưng lại gây hào hứng cho người nghe ngay sau khi phát hành. Bài hát Bài ca tháng 6 được cô thể hiện rất thành công và được nhạc sĩ Đỗ Bảo gọi là sự đồng cảm giữa người hát và người sáng tác. Cuối năm 2008, cô xuất hiện trong PBN95 với Bài hát Ra ngõ mà yêu.

Cả hai album đều được đề cử ở hạng mục Album của năm của Giải Cống Hiến, Thời gian để yêu đã giành chiến thắng sát nút Trần Tiến với cách biệt vẻn vẹn 6 phiếu bầu.

2009-2010: Vi sinh

Năm 2009 là một năm khá yên ắng với Hà Trần nói riêng và âm nhạc Việt Nam nói chung. Hà vẫn tham gia các chương trình Thuý Nga Paris By Night có chọn lọc tại Mỹ và trở về Việt Nam thực hiện một vài chương trình ca nhạc lớn như Khúc giao mùaBóng ai qua thềmDuyên dáng Việt Nam 21… Tháng 12, 2009 bài hát “Diệp lục”, do Bình Đoàn, Ý Nhi và Hà Trần sáng tác, tham dự Bài hát Việt và giành giải Khán giả bình chọn. Đây là bài hát viết về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên và nằm trong album Vi sinh. Tháng 3 năm 2010, Hatranproduction phát hành album Vi sinh (Minimal Beast) tại Mỹ. Đây là album riêng của nhóm nhạc Whodat, trong đó Hà Trần có thể hiện 4 Bài hát bằng tiếng Anh và tiếng Việt.

2011: Mầm hạt, Thập kỷ yêu và Nala Yến Đoàn

Năm 2011 Hà Trần mang thai con gái đầu lòng. Tuy nhiên, không hề có sự “im hơi lặng tiếng” nào. Tháng 8, cô về nước và phát hành cùng lúc bộ sản phẩm gồm 2 album Vi sinh (Minimal Beast) và Mầm hạt (Seedhead) cùng tập thơ Thập Kỷ Yêu. Về 2 album, cô tham gia với tư cách nhà sản xuất, chơi nhạc cụ, hát bè và hát một số Bài hát. Vi sinh mượn không gian âm nhạc điện tử để chia sẻ những trăn trở về một xã hội văn minh. Mầm hạt là hành trình của một con người tự giải đáp những phức tạp của đời sống nội tâm để có thể tái sinh và tạo nên những mầm hạt mới. Còn Thập kỷ yêu lại là tập thơ gồm những bài thơ cô đã sáng tác trong vòng 20 năm, thơ của Hà Trần mang hơi thở hiện đại, giàu nhạc điệu và không khuôn thước. Hà Trần chia sẻ không ra mắt tập thơ không phải để nhận thêm “danh hiệu” nhà thơ mà chỉ để chia sẻ với những khán giả yêu mến mình những tâm tư và suy nghĩ của cô trong thời gian qua. Ngoài những bài thơ của ca sĩ, tập thơ còn được trình bày bởi Dzũng Yoko với những bức hình minh họa ẩn dụ và độc đáo.

Tháng 9/2011, Hà Trần tham gia chương trình Không Gian Âm nhạc do Đạo diễn Việt Tú thực hiện. Liveshow Đốt Lên Thành Lửa kết hợp giữa Hà Trần và ban nhạc Ngũ Cung với hơn 30 Bài hát dự định sẽ là một bữa tiệc âm nhạc với 3 đêm liên tiếp. Tuy nhiên, do Hà đang mang thai ở tháng thứ 7 cộng với việc di chuyển liên tục khi về Việt Nam ra mắt bộ sản phẩm trên, cô đã bị cảm. Đêm diễn đầu tiên Hà bị mất giọng và chỉ cố gắng hát được một nửa chương trình. Lần đầu tiên trong lịch sử showbiz Việt, ban tổ chức liveshow trả lại tiền vé cho khán giả và dời lịch diễn sang 1 tuần sau đó. Bất chấp việc không thành công ở đêm diễn đầu tiên và những bình luận đầy ác ý của một số trang mạng và báo chí trong nước, Hà Trần đã trở lại, bùng nổ và chinh phục khán giả hoàn toàn ở 2 đêm diễn sau.

Tháng 10 năm 2011, cư dân mạng dấy lên nghi ngờ vì sự giống nhau giữa hai Bài hát “Princess of China” của Coldplay và Rihanna (phát hành năm 2011) và “Ra ngõ tụng kinh” (phát hành năm 2008). Với Princess of China, bìa đĩa của Coldplay đã ghi rõ bài hát này có sử dụng một đoạn nhạc bài Takk của Sigur Ros, còn Ra ngõ thì không có ghi thông tin gì. Không những vậy, báo chí còn tìm ra được nhiều đoạn nhạc trong Ra ngõ tụng kinh có điểm tương đồng với Shake Ya Tail feather của Nelly, P. Diddy và Murphy Lee (phát hành năm 2003) cùng với đoạn nhạc Đốn củi của thổ dân Tomahawk (Tomahawk Chop). Nhạc sĩ Thanh Phương, người phối nhạc Ra ngõ tụng kinh, khẳng định “chưa hề nghe qua những đoạn nhạc kể trên”.. Sự việc trở nên căng thẳng khi nhiều báo chí nước ngoài cũng đã lên tiếng về vụ việc này. Trong nước, bên cạnh những ý kiến ủng hộ Hà Trần cũng không ít những ký kiến và quan điểm đầy ác ý cho rằng cô đang lợi dụng sự kiện này để lấy danh tiếng. Vấn đề trở nên rắc rối và khó xác định vì bài “Takk” mà Coldplay sử dụng chỉ có dính đến phần background của Princess of China trong khi đó việc tương đồng rõ ràng với Ra Ngõ Tụng Kinh lại là đoạn hook và hòa âm. Sau khi một số bài báo đã phân tích kỹ lưỡng cho thấy sự giống nhau giữa Ra Ngõ Tụng Kinh và Princess of China và sự khác biệt của 2 Bài hát này với Shake Ya Tail Feather và Tomahawk Chop Song, vụ việc lắng dần. Về phía Hà Trần, cô chính thức lên tiếng tháng 11/2011 trên kênh Nguoivietonline tại Hải Ngoại. Theo thông tin trả lời phỏng vấn của Hà Trần, đại diện của ban nhạc Coldplay là Dave Holmes đã liên lạc với cô và khẳng định họ không đạo nhạc, việc giống nhau giữa hai Bài hát là ngẫu nhiên. Về phía Hà Trần, cô cũng đã trả lời Dave Holmes rằng chưa hề có ý định kiện tụng và đang chuẩn bị sinh con nên không muốn có những phiền phức từ câu chuyện này.

Tháng 12/2011, Hà Trần sinh con gái đầu lòng và đặt tên là Nala Yến Đoàn. Nala Yến Đoàn lấy tên đệm Yến kỷ niệm dì Yến – người thay bà ngoại nuôi dạy mẹ từ tấm bé. Cái tên Nala mang nguồn gốc châu Phi có rất nhiều ý nghĩa đẹp, là ‘nữ hoàng’, ‘sự thành công’, ‘con gái yêu’ hay ‘hoà bình’ tùy theo thổ ngữ từng nước. Trong tiếng Swahili, Nala là thể hoàn thành của động từ ‘ăn’, có nghĩa là ‘tôi đã ăn rồi’. Nala cũng là tên nhân vật nữ hoàng hổ vợ vua Simba trong phim hoạt hình Lion King – bộ phim yêu thích của chị Cua (cháu gái Hà trần) lúc nhỏ.

Résultat de recherche d'images pour "ca sĩ trần thu hà"

2012: Như chờ từng giấc mơ

Tháng 4/2012, Hà Trần về nước tham gia Chương trình Lung Linh Sắc Việt tại Đà Nẵng và có một Minishow tại phòng trà WE.

Ngày 11 và 12/8/2012, cô cùng Tấn Minh, Đinh Mạnh Ninh và Tô Minh Đức tham gia Liveshow Trần Tiến: “Như Chờ Từng Giấc mơ” trong chuỗi Chương trình In the Spotlight của công ty Mỹ Thanh tổ chức. Sự trở lại của Hà Trần là đáng giá và cũng xứng đáng cho những gì khán giả chờ đợi trong thời gian dài cô hoạt động tại hoải ngoại. Trước thời điểm diễn 5 ngày, vé đã hoàn toàn bán hết đêm đầu và 2/3 đêm thứ 2, điều này được lý giải vì sự vắng mặt quá lâu của diva hải ngoại, cũng như tên tuổi quá lớn của nhạc sĩ Trần Tiến, điều đảm bảo tuyệt đối thu hút khán giả đến xem.

Tháng 12/2012, Hà Trần và Hòa Trần đã tổ chức chương trình Tự Họa tại Mỹ để tri ân khán giả ở nước ngoài. Cũng trong thời gian này, Hà Trần tiếp tục tham gia Chương trình Mùa Đông Concert cùng Bằng Kiều, Hồng Nhung và Tùng Dương. Những bản song ca của Hà Trần với Tùng Dương và Bằng Kiều đã trở thành những điểm nhấn của chương trình

2013: Chuyện của mặt trời – Chuyện của chúng ta

Tháng 1/2013, Hà Trần giới thiệu Bài hát Đôi Tay Mẹ do nhạc sĩ Thanh Phương sáng tác và bài hát được khán giả đón nhận nhiệt tình, do đó Hà đã tham gia chương trình Bài Hát Yêu Thích để trình diễn Bài hát này.

Tháng 3/2013, Hà Trần giới thiệu Bài hát Mẹ Tôi do nhạc sĩ Trần Tiến sáng tác, Bài hát gây xúc động mạnh và nhanh chóng được đón nhận. Bài hát này cũng được tiến cử là Bài hát của năm trong khuôn khổ Giải thưởng Cống Hiến 2013. Cũng trong tháng này, Hà tham gia đêm nhạc Thanh Tùng – Chuyện Tình Của Biển do Công ty Mỹ Thanh thực hiện. Trong đêm nhạc còn có sự tham gia của ca sĩ Tấn Minh, Uyên Linh và Đông Hùng. Điểm nhấn của chương trình còn nằm ở những màn kết hợp đã tai, đã mắt: Uyên Linh – Hà Trần với Em và tôi, tứ ca Uyên Linh – Hà Trần – Tấn Minh – Đông Hùng khoe giọng với Giọt sương trên mí mắt, Ngôi sao cô đơn và Hà Trần – Tấn Minh với Hoa tím ngoài sân[14]

Tháng 5/2013, Hà Trần cùng nhạc sĩ Quốc Trung và ca sĩ Thanh Lam thực hiện chương trình Cầm Tay Mùa Hè. Có thể nói Cầm tay mùa hè là dịp hiếm có để Hà thể hiện sở trường về nhạc điện tử. Đêm nhạc Cầm tay mùa hè có thể gọi là đêm của Hà Trần. Hà đã tạo ra một sắc màu không thể trộn lẫn, giọng hát tung tẩy, nhưng góc cạnh, tràn trề năng lượng.[15]

Cũng trong thời gian này, Hà Trần cùng người bạn thân Đỗ Bảo thực hiện album chung Cánh Cung 3 với tên gọi Chuyện của mặt trời – Chuyện của chúng ta. Album được phát hành vào ngày 15 tháng 8 năm 2013 với quá trình 18 tháng thu âm sản xuất và 10 ngày hậu kỳ. Mặc dù album không được tổ chức họp báo để ra mắt chính thức nhưng Chuyện của mặt trời – Chuyện của chúng ta vẫn có được thành công lớn chuyên môn cũng như thương mại.  Album giúp Đỗ Bảo lần thứ 2 có được cú đúp tại giải Cống hiến vào năm 2014 với danh hiệu “Nhạc sĩ của năm” và “Album của năm”. Về album này, Hà Trần chia sẻ: “Vì chỉ có hai người làm nên cảm xúc xuyên suốt, tương đối mạch lạc trong tư duy và cách thể hiện, bài hát nhiều màu sắc đa dạng phong phú, trên hết là một thái độ âm nhạc bình thản nhưng có trọng lượng. Tôi cho rằng đó là một điều rất thiếu hiện nay, tức là tạo ra những sản phẩm chuẩn mực, có chiều sâu, có nghề qua một cách nói đơn giản, không dùng chiêu trò, không hù doạ, không tô vẽ thêm…”.

Tháng 9/2013, Hà Trần và Hòa Trần tiếp tục thực hiện Tự Họa tại Houston để gây quỹ cho trẻ em tỵ nạn và mồ côi vùng Hy Mã Lạp Sơn

Ngày 8 tháng 12 năm 2013, Hà Trần về nước tham gia Liveshow Cánh cung – Đỗ Bảo – Live in Hanoi kỷ niệm 20 năm sáng tác của người bạn thân Đỗ Bảo tại Cung văn hóa Hữu nghị Hà Nội. Trong liveshow này, Hà Trần có hát các Bài hát: Cầu Vồng Đêm Mưa, Bài Ca Cây Đàn, Đôi Giầy Lười, Đỉnh Núi Lãng Quên, Câu Trả Lời, Chuyện Của Mặt Trời – Chuyện Của Chúng Ta…Một phần của chương trình được Hà Trần và Đỗ Bảo tái hiện lại không lâu sau tại phòng trà We thành phố Hồ Chí Minh. Nối tiếp thành công của Liveshow Cánh Cung, Liveshow Chuyện Của Mặt Trời – Chuyện Của Chúng Ta dự định được tiến hành năm 2014 nhưng vì cả hai đều quá bận rộn với công việc riêng nên dự án này hoãn lại.

2014: Tình ca qua thế kỷ vol 2

Hà tham gia đều đặn các chương trình âm nhạc tại Việt Nam như Hương Tết Việt, Ru tình…[16]

Tháng 8/2014, Hà cùng Tùng Dương thực hiện show Gọi Yêu. Đặc biệt khán giả yêu quý Hà Trần không chỉ thấy ở cô sự nổi loạn, ngẫu hứng mà còn là một con người dễ xúc động, chân thành và giản dị. Trong liveshow, cô 2 lần khóc khi nhắc tới mẹ và những người bạn thân thiết trong nghề.

Tháng 9/2014, Hà trình diễn Bài hát Bài Ca Hy Vọng trong chương trình Giai điệu tự hào và lập tức nổ ra cuộc tranh luận về cách trình bày khác biệt của cô

Tháng 10/2014 Hà tham gia Monsoon Music Festival, phần trình diễn của Hà Trần được báo chí gọi là phần trình diễn đốt cháy sân khấu.

Ngày 12/12/2014, Hà Trần tái hợp với Ngũ Cung trong liveshow Cao Nguyên Đá.

Ngày 18/12/2014, Hà Trần phát hành album Tình ca qua thế kỷ vol 2. Không còn sắc lạnh và quái tính, Hà Trần trở nên nồng nàn, lãng mạn với Tình ca qua thế kỷ 2 – album mới nhất với những tình khúc của Lam Phương, Y Vân, Từ Công Phụng, Nguyễn Ánh 9, Cung Tiến, Anh Bằng… Hoàn toàn không còn thấy một Hà Trần rocker cháy hết mình trên sân khấu rockstorm với Bản nguyên chỉ vài ngày trước đó, Hà Trần biến hóa khiến người nghe nhạc ngạc nhiên về sự thay đổi quá đỗi nhanh chóng của cô. 14 Bài hát quen thuộc nhưng không hề tạo màu sắc cũ kỹ. Ngược lại toàn bộ các track nhạc được hoà âm mới theo cách phong cách đa dạng: jazz, latin, semiclassic, acoustic… tươi mới và tràn đầy năng lượng. Có mặt tại họp báo ca sĩ Thanh Lam nói  ‘Với âm nhạc, nói nhiều thế nào cũng không đủ, nên tôi chỉ chia sẻ ngắn gọn bằng một từ- Quá hay!. Ở góc độ nghề nghiệp, Thanh Lam cho biết, chị vẫn luôn tin tưởng và kỳ vọng Hà Trần sẽ dồi dào sức sáng tạo với âm nhạc, dẫn đầu xu hướng mà không bị xuôi theo thị hiếu

Image associée

2015 – 2016: Bóng tối Jazz và Bản nguyên

Tháng 1, 2015 Hà tham gia biểu diễn tại chuỗi chương trình ca nhạc Rock Storm tại Đà Nẵng, Biên Hòa và Hà Nội để giới thiệu dự án Bản nguyên.[22] Đây là dự án nhạc rock điện tử do Hà Trần phối hợp với nhạc sĩ Thanh Phương và Quốc Trung thực hiện trên nền tảng những Bài hát do Dominik và Hoàng Quân viết.Không giống như các album khác, Bản Nguyên khi đi từ phòng thu lên sân khấu mà lại làm ngược lại: “trình diễn live trước rồi mới thu âm”. Nữ ca sĩ chia sẻ: “Album này nó bị thực hiện ngược. Với Bản nguyên, chúng tôi đã đi tour trước sau đó mới vào làm việc trong phòng thu. Chúng tôi được thử lửa qua chương trình Rock Storm và lần này vào phòng thu thì nó đã khác đi rất nhiều”. Cũng trong tháng 1 năm 2015, Hà Trần xuất hiện trong chương trình Tình Bolero của Đài Truyền hình Vĩnh Long và lại tiếp tục gây tranh cãi khi trình diễn bài hát “Xin thời gian qua mau” của Lam Phương khác lạ hoàn toàn so với những ca sĩ trước đây. Đồng thời, Hà Trần cùng Thanh Lam và Tùng Dương diễn trong chương trình Yêu tại Hà Nội.

Tháng 3, 2015, Hà Trần tham gia đêm nhạc Để nhớ một thời với Bằng Kiều, Tấn Minh và Mỹ Linh. Đồng thời, Hà Trần cũng là đại sứ cho chiến dịch HeforShe, góp phần khuyến khích nam giới lên tiếng chống lại những bất bình đẳng mà phụ nữ và trẻ em gái phải đối mặt hàng ngày.

Ngày 16 tháng 10 năm 2015, Hà Trần tổ chức buổi họp báo ra mắt Bóng tối Jazz (The Shadow of Jazz), một sản phẩm cộng tác giữa Hà và nghệ sĩ Giáng Son, cùng với sự góp giọng của nam ca sĩ Tùng Dương. Hà cũng tham gia hai buổi giao lưu và ký tặng album cùng Giáng Son ở Phòng trà WE, Thành phố Hồ Chí Minh và Swing Lounge, Hà Nội lần lượt vào hai ngày 13 và 14 tháng 11 năm 2015. Cũng trong ngày 16 tháng 10 năm 2015, Hà Trần tổ chức buổi ký tặng đĩa đơn Bản nguyên Single tại M2C Cafe, Thành phố Hồ Chí Minh, đĩa đơn mở đầu cho công cuộc quảng bá cho album Bản nguyên sắp ra mắt.

Các giải thưởng

  • Giải trẻ triển vọng cuộc thi Giọng hát hay Hà Nội 1993.
  • Giải nhất cuộc thi tiếng hát học sinh, sinh viên toàn quốc 1994.
  • Huy chương Vàng cuộc thi đơn ca các trường nghệ thuật toàn quốc 1994.
  • Giải ba cuộc thi tìm kiếm tài năng trẻ Tiếng hát Vàng Anh do công ty Horitro (Nhật Bản) tổ chức năm 1995.
  • Giải thưởng Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho ca sĩ thể hiện xuất sắc nhất tác phẩm âm nhạc của Hội năm 1996.
  • Lọt vào top 10 ca sĩ được yêu thích trên Làn sóng xanh các năm 1998-2001.
  • Giải Mai Vàng Nữ ca sĩ yêu thích nhất với Bài hát Sắc màu năm 2000[27]
  • Album Nhật Thực thực hiện cùng Ngọc Đại, Đỗ Bảo và Vi Thùy Linh được bầu chọn là sự kiện văn hóa tiêu biểu của năm 2002.
  • Clip ca nhạc yêu thích của VTV – Bài hát tôi yêu với Bài hát Chuyện tình thảo nguyên năm 2003.[28]
  • Đề cử Giải Album của năm – Giải thưởng Cống hiến 2004 cho Thanh Lam – Hà Trần.
  • Giải Album của năm – Giải thưởng Cống hiến 2006 cho Đối thoại 06.
  • Đề cử Giải Album của năm – Giải thưởng Cống hiến 2008 cho Trần Tiến với Trần Tiến, Trần Thu Hà, Tùng Dương, Trần Thái Hòa, David Trần, Thanh Phương và Tran’s Gang.
  • Giải Album của năm – Giải thưởng Cống hiến 2013 cho Chuyện của mặt trời – Chuyện của chúng ta với Đỗ Bảo và Đề cử Giải Ca sĩ của năm.
  • Giải Album của năm – Giải thưởng Cống hiến 2015 cho Bóng tối Jazz với Giáng Sol và Tùng Dương và Đề cử Giải Ca sĩ của năm.
  • Giải Album của năm – Giải thưởng Cống hiến 2016 cho Bản nguyên và Đề cử Giải Ca sĩ của năm.

Résultat de recherche d'images pour "ca sĩ trần thu hà"

4.9/5 - (62 bình chọn)